“Tứ trụ” càphê danh tiếng của đất Hà thành
Người Hà Nội ngày trước lưu truyền câu nói: Nhân-Nhĩ-Dĩ-Năng. Cũng có người cho rằng phải là Nhân-Nhĩ-Dĩ-Giảng mới đúng, vì càphê Giảng xuất hiện cùng thời với bốn quán càphê này và cũng chẳng kém cạnh.
Cá nhân tôi thì cho rằng câu đầu tiên đúng hơn, bởi càphê Giảng đi riêng theo một phong cách khác (càphê trứng) so với những quán xá cùng thời.
Nhưng dù là Nhân-Nhĩ-Dĩ-Năng hay Nhân-Nhĩ-Dĩ-Giảng đi chăng nữa, thì cũng phải công nhận rằng đây là những quán có càphê ngon nhất ở Hà Nội mà tôi từng thưởng thức.
Càphê Giảng - khai sinh ra càphê trứng?
Tôi không dám khẳng định chắc chắn, nhưng có vẻ như Giảng (Hàng Gai) là nơi khai sinh ra thứ càphê trứng mà sau này khá nhiều quán ở Hà Nội cũng có theo.
Một ngày mùa Đông... trời lạnh căm căm... càphê nóng hổi... bọt trứng béo ngậy cuộn ở trên... Tách đầu tiên tôi uống nhẩn nha như thói quen mọi ngày. Kết quả là càphê mau nguội, vị trứng trở thành tanh. Tách thứ hai kinh nghiệm hơn, không khuấy đều lên ngay từ đầu mà dùng thìa hớt từng chút bọt trứng một nhấm nháp trước, sau đó mới uống nhanh chỗ càphê bên dưới.
Góc ngồi của càphê Giảng hơi khuất, không thể nhìn thấy hồ Gươm. Nhưng bù lại, cái cảm giác ngồi lệt bệt ngay cạnh cửa quán, chân trong chân ngoài thò mặt ra vỉa hè lưa thưa người đi bộ, với ngã tư Đồng Xuân xe cộ hồi đó hãy còn rất ít, cảm giác thấy mình như là một phần rất nhỏ của phố phường này, của Hà Nội này.
Gia đình Giảng sau này bán lại mảnh đất đó cho một người khác. Người khác này lại cho chuỗi càphê Segafredo thuê. Hai anh em nhà Giảng chia nhau mở hai quán mới. Quán ông anh trên đường Yên Phụ, chỗ nhìn thẳng ra khu nhà chờ xe bus.
Quán ông em lại nằm ở Nguyễn Hữu Huân, gần càphê Lâm một tầng. Mỗi quán pha chế càphê trứng theo một công thức riêng nên vị rất khác nhau. Cảm giác như là càphê của ông anh ngon hơn. Vị ngòn ngọt, beo béo của trứng kết hợp hài hòa với vị đăng đắng, đậm đà của càphê. Tính ông anh cũng xởi lởi, hiền hậu theo lối chất phác, không giống tính ông em hòa nhã kiểu trí thức thời xưa.
Ngoài càphê trứng, mỗi quán đều có thêm những đặc sản cho riêng mình. Ở Giảng anh thì là bia trứng. Ở Giảng em thì là chanh rum. Ai không uống được càphê thì còn có đậu xanh trứng, ca cao trứng...
Nhưng dù cho đồ uống có là gì đi chăng nữa, Giảng bây giờ cũng không còn mang lại cho tôi cái cảm giác hoài niệm như lúc xưa, khi còn là một quán càphê bé tí tẹo ở Hàng Gai.
Càphê Nhĩ nằm ở số 2 Hàng Cá
Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, chỉ là căn nhà một tầng nho nhỏ (nay có thêm căn nhà một tầng bên cạnh nữa), bên trong đầy những ghế gỗ, và dăm ba chiếc bàn gỗ cho có. Nói là “cho có," bởi khách uống càphê hầu như đều lấy luôn ghế gỗ làm bàn.
Khách ở Nhĩ lúc nào cũng đông nghìn nghịt, người này ngồi đấu lưng vào người kia, tràn cả ra vỉa hè. Càphê phin pha sẵn, chứa trong các ấm tích thường dùng pha trà xanh. Mỗi cốc càphê tương đương với hai chén nước trà, đong ra từ ấm, đổ vào cốc thủy tinh dày dặn, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào. Quán cũng bán cả càphê pha sẵn mang về, đựng trong các túi nilon nho nhỏ, hoặc đựng trong chai nước suối loại 500ml (chưa có đường, sữa).
Tết nào anh trai tôi cũng mua một chai biếu cậu, một chai để dành ba bố con uống thong dong suốt cả kỳ nghỉ (ngày Tết quán đóng cửa và mở lại khá muộn). càphê Nhĩ rất đặc và rất ngon, ai đã một lần nếm thử thì khó lòng quên được mùi vị đặc biệt của nó.
Càphê Năng - Người em út trong bốn quán càphê danh tiếng
Quán nằm ở số 6 Hàng Bạc. So với Giảng hồi còn ở Hàng Gai, hay Nhĩ và Đinh, thì Năng là quán càphê duy nhất cùng thời mà tôi biết có hai tầng.
Bước chân vào quán, lách mình qua hai hàng ghế lộn xộn đến cuối phòng là quầy hàng, nơi pha chế càphê. Không giống như Nhĩ chọn ấm tích để chứa càphê pha sẵn, Năng vẫn bày nguyên xi những chiếc phin bằng nhôm to hơn ấm trà. Rồi sau quầy hàng là đến cây cầu thang đá cao và hẹp. Quán có một phòng xép nhỏ ở chiếu nghỉ cầu thang, là nơi đựng nguyên liệu pha chế càphê. Lên thêm một quãng cầu thang nữa mới tới tầng hai.
Tầng hai với ban công rộng rãi, luôn tràn ngập ánh sáng ban ngày. Lại những bộ bàn ghế gỗ sơn đen nặng trình trịch, lại những bức tường vôi trắng có ốp một lớp gỗ mỏng mang đầy vẻ hoài cổ cũ kỹ. Tầng hai này thường vắng khách hơn vào những giờ làm việc. Nếu được ngồi gần sát ban công mà nhìn xuống, sẽ thấy con phố Hàng Bè như tấm lưng ong của người thiếu nữ, chạy dài ra xa tít trước khi khuất mình vào sau những tán lá cây. Cuộc sống ở ngã ba trước cửa quán sao lúc nào cũng có cảm giác như đang diễn ra rất chậm? Tôi đã từng nhàn rỗi tới độ bỏ ra hàng tiếng đồng hồ ngồi đếm xem anh xe ôm đưa tay lên gãi đầu mấy lần trong lúc đợi khách ở dưới vỉa hè...
Càphê ở Năng không có chỗ để xe cho khách. Thế nên, chỉ nên dành cho riêng mỗi mình mình, khi có đủ thời gian để gửi xe ở Cầu Gỗ rồi thong thả đi bộ vào, chọn một góc khuất bé nhỏ và đẩy mình vào những dòng suy tư lặng lẽ.
Tôi không viết về càphê Nhân, vì như giới càphê truyền lại: con cháu ông nay mỗi người mở một quán riêng. Địa điểm do đó thành ra rất nhiều (không có cái nào là rởm mà chỉ đơn giản là nhiều). Càphê Dĩ thì không thể tìm thấy quán ở đâu nữa. Có lẽ là gia đình họ đã bỏ nghiệp càphê?/.
Cá nhân tôi thì cho rằng câu đầu tiên đúng hơn, bởi càphê Giảng đi riêng theo một phong cách khác (càphê trứng) so với những quán xá cùng thời.
Nhưng dù là Nhân-Nhĩ-Dĩ-Năng hay Nhân-Nhĩ-Dĩ-Giảng đi chăng nữa, thì cũng phải công nhận rằng đây là những quán có càphê ngon nhất ở Hà Nội mà tôi từng thưởng thức.
Càphê Giảng - khai sinh ra càphê trứng?
Tôi không dám khẳng định chắc chắn, nhưng có vẻ như Giảng (Hàng Gai) là nơi khai sinh ra thứ càphê trứng mà sau này khá nhiều quán ở Hà Nội cũng có theo.
Một ngày mùa Đông... trời lạnh căm căm... càphê nóng hổi... bọt trứng béo ngậy cuộn ở trên... Tách đầu tiên tôi uống nhẩn nha như thói quen mọi ngày. Kết quả là càphê mau nguội, vị trứng trở thành tanh. Tách thứ hai kinh nghiệm hơn, không khuấy đều lên ngay từ đầu mà dùng thìa hớt từng chút bọt trứng một nhấm nháp trước, sau đó mới uống nhanh chỗ càphê bên dưới.
Góc ngồi của càphê Giảng hơi khuất, không thể nhìn thấy hồ Gươm. Nhưng bù lại, cái cảm giác ngồi lệt bệt ngay cạnh cửa quán, chân trong chân ngoài thò mặt ra vỉa hè lưa thưa người đi bộ, với ngã tư Đồng Xuân xe cộ hồi đó hãy còn rất ít, cảm giác thấy mình như là một phần rất nhỏ của phố phường này, của Hà Nội này.
Gia đình Giảng sau này bán lại mảnh đất đó cho một người khác. Người khác này lại cho chuỗi càphê Segafredo thuê. Hai anh em nhà Giảng chia nhau mở hai quán mới. Quán ông anh trên đường Yên Phụ, chỗ nhìn thẳng ra khu nhà chờ xe bus.
Quán ông em lại nằm ở Nguyễn Hữu Huân, gần càphê Lâm một tầng. Mỗi quán pha chế càphê trứng theo một công thức riêng nên vị rất khác nhau. Cảm giác như là càphê của ông anh ngon hơn. Vị ngòn ngọt, beo béo của trứng kết hợp hài hòa với vị đăng đắng, đậm đà của càphê. Tính ông anh cũng xởi lởi, hiền hậu theo lối chất phác, không giống tính ông em hòa nhã kiểu trí thức thời xưa.
Ngoài càphê trứng, mỗi quán đều có thêm những đặc sản cho riêng mình. Ở Giảng anh thì là bia trứng. Ở Giảng em thì là chanh rum. Ai không uống được càphê thì còn có đậu xanh trứng, ca cao trứng...
Nhưng dù cho đồ uống có là gì đi chăng nữa, Giảng bây giờ cũng không còn mang lại cho tôi cái cảm giác hoài niệm như lúc xưa, khi còn là một quán càphê bé tí tẹo ở Hàng Gai.
Càphê Nhĩ nằm ở số 2 Hàng Cá
Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, chỉ là căn nhà một tầng nho nhỏ (nay có thêm căn nhà một tầng bên cạnh nữa), bên trong đầy những ghế gỗ, và dăm ba chiếc bàn gỗ cho có. Nói là “cho có," bởi khách uống càphê hầu như đều lấy luôn ghế gỗ làm bàn.
Khách ở Nhĩ lúc nào cũng đông nghìn nghịt, người này ngồi đấu lưng vào người kia, tràn cả ra vỉa hè. Càphê phin pha sẵn, chứa trong các ấm tích thường dùng pha trà xanh. Mỗi cốc càphê tương đương với hai chén nước trà, đong ra từ ấm, đổ vào cốc thủy tinh dày dặn, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào. Quán cũng bán cả càphê pha sẵn mang về, đựng trong các túi nilon nho nhỏ, hoặc đựng trong chai nước suối loại 500ml (chưa có đường, sữa).
Tết nào anh trai tôi cũng mua một chai biếu cậu, một chai để dành ba bố con uống thong dong suốt cả kỳ nghỉ (ngày Tết quán đóng cửa và mở lại khá muộn). càphê Nhĩ rất đặc và rất ngon, ai đã một lần nếm thử thì khó lòng quên được mùi vị đặc biệt của nó.
Càphê Năng - Người em út trong bốn quán càphê danh tiếng
Quán nằm ở số 6 Hàng Bạc. So với Giảng hồi còn ở Hàng Gai, hay Nhĩ và Đinh, thì Năng là quán càphê duy nhất cùng thời mà tôi biết có hai tầng.
Bước chân vào quán, lách mình qua hai hàng ghế lộn xộn đến cuối phòng là quầy hàng, nơi pha chế càphê. Không giống như Nhĩ chọn ấm tích để chứa càphê pha sẵn, Năng vẫn bày nguyên xi những chiếc phin bằng nhôm to hơn ấm trà. Rồi sau quầy hàng là đến cây cầu thang đá cao và hẹp. Quán có một phòng xép nhỏ ở chiếu nghỉ cầu thang, là nơi đựng nguyên liệu pha chế càphê. Lên thêm một quãng cầu thang nữa mới tới tầng hai.
Tầng hai với ban công rộng rãi, luôn tràn ngập ánh sáng ban ngày. Lại những bộ bàn ghế gỗ sơn đen nặng trình trịch, lại những bức tường vôi trắng có ốp một lớp gỗ mỏng mang đầy vẻ hoài cổ cũ kỹ. Tầng hai này thường vắng khách hơn vào những giờ làm việc. Nếu được ngồi gần sát ban công mà nhìn xuống, sẽ thấy con phố Hàng Bè như tấm lưng ong của người thiếu nữ, chạy dài ra xa tít trước khi khuất mình vào sau những tán lá cây. Cuộc sống ở ngã ba trước cửa quán sao lúc nào cũng có cảm giác như đang diễn ra rất chậm? Tôi đã từng nhàn rỗi tới độ bỏ ra hàng tiếng đồng hồ ngồi đếm xem anh xe ôm đưa tay lên gãi đầu mấy lần trong lúc đợi khách ở dưới vỉa hè...
Càphê ở Năng không có chỗ để xe cho khách. Thế nên, chỉ nên dành cho riêng mỗi mình mình, khi có đủ thời gian để gửi xe ở Cầu Gỗ rồi thong thả đi bộ vào, chọn một góc khuất bé nhỏ và đẩy mình vào những dòng suy tư lặng lẽ.
Tôi không viết về càphê Nhân, vì như giới càphê truyền lại: con cháu ông nay mỗi người mở một quán riêng. Địa điểm do đó thành ra rất nhiều (không có cái nào là rởm mà chỉ đơn giản là nhiều). Càphê Dĩ thì không thể tìm thấy quán ở đâu nữa. Có lẽ là gia đình họ đã bỏ nghiệp càphê?/.
Post a Comment