Header Ads

Du lịch hè: Ngược về xứ Lạng – thưởng thức đặc sản vùng biên giới

Ai đã từng đặt chân lên đây một lần, ắt hẳn sẽ còn quay lại thêm lần nữa, vì, người ta không chỉ đơn giản bị hút hồn bởi những cảnh đẹp đã đi vào thơ ca mà còn bị say mê bởi những món ăn chứa chan tình người xứ Lạng.

Du lịch hè: Ngược về xứ Lạng – thưởng thức đặc sản vùng biên giới

Từ những ngày còn bé, tôi luôn được ngoại vỗ về bằng bài ca:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
Hẳn bạn sẽ thắc mắc, không biết Lạng Sơn có gì mà người ta lại có lời mời chào ngọt ngào đến thế?
Nếu nhìn vào bản đồ, nhìn Việt Nam cong hình chữ S thì Lạng Sơn lại giống như một lòng chảo nằm lọt thỏm giữa những đồi núi điệp trùng vùng Đông Bắc, sát biên giới Việt - Trung. Ở đó có thị trấn Đồng Đăng sầm uất, phố Kỳ Lựa tấp nập, nàng Tô Thị bồng con và những danh lam như Chùa Tam Thanh, Nhị Thanh…
Ai đã từng đặt chân lên đây một lần, ắt hẳn sẽ còn quay lại thêm lần nữa, vì, người ta không chỉ đơn giản bị hút hồn bởi những cảnh đẹp đã đi vào thơ ca mà còn bị say mê bởi những món ăn chứa chan tình người xứ Lạng.
Bạn có quyền thưởng thức hết những món đặc sản của núi rừng, từ những món quen thuộc đến những món lạ lẫm từ tên gọi đối với bạn, nhưng đừng bỏ qua món Phở vịt quayHeo quay lá mác mật khi đến đây.
Món Phở vịt quay đâm đà
Vịt quay là giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ vịt được tẩm hương liệu, hành, hạt tiêu, quả móc mật, nhồi vào bên trong, khâu lại. Phần bên ngoài da tẩm mật ong và để chừng 10 phút, sau đó vịt được quay trên bếp than, loại than hoa chừng 15 phút, khi quay xong nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm, ngon, thịt vịt phải thấm màu mật ong, có hương vị đậm đà của hương liệu, đó mới là thịt vịt ngon. Phần nước mỡ khi quay vịt xong sẽ được sử dụng để chan phở vịt. Khi thưởng thức một bát phở vịt, cho thêm một vài lát măng chua được ngâm trong lọ để sẵn, mùi thơm của thịt vịt, nước dùng sóng sánh và vị chua của măng tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn đặc sản vùng biên giới.
Món Heo quay lá mác mật giòn tan
Với món Heo quay lá mác mật. Heo sẽ được mổ sạch sẽ, sau đó dựng lên cho khô ráo rồi lấy lá mác mật tươi xào qua với gia vị như bột ngọt, muối và thêm một gia vị khác là tàu-choong đưa vào trong bụng heo; dùng chỉ khâu thật kỹ lại để hương vị của hỗn hợp đó ngấm vào thịt heo. Heo sẽ được quay với thanh củi trong khoảng từ 1 – 4 tiếng tuỳ theo trọng lượng con heo. Quá trình quay phải thường xuyên lau nước và mỡ rịn ra trên da heo và dùng mật ong pha với nước phết lên ở thời gian đầu cho con heo được chín đều, vàng đẹp như ý.
Heo quay có đặc điểm ít béo bởi trong quá trình quay mỡ đã chảy bớt ra ngoài. Sau khi quay chín, chặt từng miếng xếp ra đĩa, hương vị của lá mác mật toả thơm ngát. Nước chấm dùng với món này là trái mác mật, muối, bột ngọt hoặc dùng nước mắm ớt bỏ trái mác mật vào sẽ làm món ăn thêm trọn vẹn.

Bánh cuốn trứng nóng sóng sánh nước thịt kho
Thêm nữa, bạn cũng đừng quên ăn điểm tâm với món bánh cuốn trứng ăn nóng. Không như bánh cuốn Sài Gòn nhiều nhân, ăn chung với chả giò, nem, giá trụng, rau thơm, hay như bánh cuốn Hà Nội lớp nhân mỏng và rắc lên trên ruốc thịt, rau kinh giới, bánh cuốn trứng Lạng Sơn chỉ đơn giản với một cái trứng gà và một chén nước chấm là nước thịt kho.
Chiếc bánh cuốn Lạng Sơn được tráng trên một chiếc nồi khá lớn, đường kính dễ chừng 4 tấc. Khi chiếc bánh tráng trên nồi vừa chín, người ta giở nắp vung, đập vào chiếc vá và bỏ vào hai bên của chiếc bánh hai quả trứng gà, đậy nắp lại một chút, chờ vừa đủ cho lớp lòng trắng đục lại, dính vào mặt bánh, phần lòng đỏ lúc ấy chỉ vừa đủ chín một lớp áo bọc thật mỏng bên ngoài, giúp cho chiếc trứng không bị vỡ. Sau đó người ta dùng một chiếc đũa tre dẹp, chia chiếc bánh làm hai phần, khéo léo hất nhẹ các góc của nửa chiếc bánh xếp lại, phủ một phần của cái trứng nhưng không phủ kín, trông rất đẹp mắt và bày ra đĩa, rắc thêm một lớp thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ.
Bên nồi bánh nghi ngút khói, múc một chén bánh cuốn, sóng sánh nước thịt kho với lòng đỏ trứng, cảm nhận hương vị đậm đà tan ra ngấm vào từng thớ thịt, ăn một lần để rồi muốn quay lại đây thêm lần nữa.
Món Khâu nhục dẻo mềm
Ngoài những món ăn trên, bạn cũng nên thử thêm món Khâu nhục – món ăn không thể thiếu trong các dịp lê, tết của người Tày, Nùng để thưởng thức vị dẻo mềm, ít ngậy và thơm lừng lá mác mật ẩn chứ trong món ăn này.
Với những ai mới lần đầu tiên đặt chân lên xứ Lạng, có thể tìm thấy những món đặc sản của nơi này tại nhà hàng Thảo Viên, nhà hàng Trung Xuân Xứ Lạng hay quán phở vịt quay ở số 56 đường Trần Đặng Ninh
Riêng với những ai ở TP.HCM thì có thể tìm thấy những món ăn xứ Lạng với mức giá bình dân ở quán Nhà Mình trên đường Sư Vạn Hạnh.
Nhưng dù bằng cách này hay cách khác, bạn cũng nên lên làm một chuyến lên Lạng Sơn, để không chỉ có dịp ngắm cảnh mà còn để thưởng thức một cách trọn vẹn nhất những tinh hoa ẩm thực trong từng món ăn. Và bạn, chắc chắn sẽ giống như tôi -  một “lữ khách lạc chân”, đã từng trót mê đắm nơi đây, như mê đắm người con gái xứ Lạng dịu hiền và chén rượu nồng ấm mỗi đêm đông.
Tham khảo thêm:
Nhà Hàng Thảo Viên: http://www.foody.vn/lang-son/nha-hang-thao-vien
Nhà hàng Trung Xuân Xứ Lạng: http://www.foody.vn/lang-son/nha-hang-trung-xuan-xu-lang
Quán Nhà Mình: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/nha-minh-quan-mon-ngon-lang-son
Foodee Minh Hằng
Được tạo bởi Blogger.