(Đà Nẵng) Phố đèn lồng Hội An
Cứ mỗi độ rằm tháng Tám về, lòng tôi lại hân hoan chung với niềm vui của trẻ nhỏ, dẫu cái tuổi để háo hức trông chờ được nhận quà trung thu đã qua lâu lắm rồi. Đi ngang qua dãy phố đèn lồng, bất giác tay đưa lên trong vô thức như với lấy một vùng trời kỉ niệm chợt ùa về ngang qua kí ức
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao quá đầu
Em cầm đèn sao em hát vang trời
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết Trông Trăng hay Tết Đoàn Viên được tổ chức hằng năm trên khắp mọi miền đất nước ta. Nhà nhà quây quần đầm ấm trong không khí rộn ràng của tiếng trống tùng rinh qua các ngõ làng. Hình ảnh đám rước đèn và tiếng trống múa lân vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất trong kỉ niệm tuổi thơ của mỗi người.
Nhắc đến đèn lồng không đâu nổi tiếng bằng Hội An. Và nhắc đến đêm hội Trung Thu cũng không đâu rộn ràng, đặc sắc và mang đậm nét truyền thống bằng Hội An. Bởi lẽ hình ảnh những dãy phố đèn lồng đã đi vào tâm thức của người Việt Nam như một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất về phố cổ nổi tiếng thơ mộng và thanh bình này.
Phố đèn lồng
Trung thu về, các con đường ngõ hẻm Hội An khoác thêm một bộ áo đèn lồng sặc sỡ đủ các sắc màu. Đèn lồng Hội An đa dạng về kiểu dáng, chủng loại với nhiều kích thước, nhỏ nhất là 10cm, lớn nhất có thể lên đến trên 2m, nhưng những kích thước thông dụng là từ 10cm cho đến 80cm. Kiểu dáng được sử dụng phổ biến nhất là kiểu tròn, kiểu tỏi, kiểu tỏi ngược, kiểu trám, kiểu dù. Ngoài ra còn có các kiểu dáng nổi bật khác như kiểu trụ, kiểu bánh ú, kiểu kim cương, kiểu tam giác và kiểu đu đủ. Hai nguyên liệu chính làm nên chiếc đèn lồng Việt là tre và vải lụa, đó là những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong đời sống người Việt. Chất liệu vải được làm từ vải lụa tơ tằm hoặc các chất liệu vải khác cho hoa văn đầy màu sắc. Khung tre của đèn có số lượng nan dọc phụ thuộc vào kích cỡ của đèn để đảm bảo kết cấu vững chắc. Ngoài ra đèn lồng còn được tô điểm bởi nét vẽ, đường thêu những chi tiết đặc thù trong văn hóa người Việt xa xưa như cành đào, hoa mai, nhánh trúc, chữ thư pháp hay các di tích văn hóa lịch sử của Việt Nam. Sự mộc mạc của tre kết hợp với sự mềm mại, duyên dáng của lụa dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã làm nên những chiếc đèn lồng Việt đầy quyến rũ.
Đèn lồng Hội An rực rỡ sắc màu
Đèn lồng được sử dụng hầu hết trong các lễ hội cũng như thường ngày ở phố cổ, nhưng có lẽ lung linh nhất là vào đêm hội trăng rằm. Nếu có dịp bạn nên thử một lần tận hưởng không gian phố hội vào dịp Trung Thu và thả hồn mình trong sự thanh bình, yên ả nhưng mang một nét hoài niệm của phố cổ.
Và tất nhiên Trung Thu ở nơi đâu cũng phải có bánh Trung Thu, Hội An cũng không ngoại lệ. Bánh Trung Thu được bày bán trong những cửa hiệu trên khắp các con đường quanh phố cổ. Cũng như các mái nhà khác, dưới ánh đèn lung lung phản chiếu những họp bánh Trung Thu được đặt ngay ngắn, vuông vức luôn là món quà hấp dẫn đối với tuổi thơ trong dịp lễ này.
Không chỉ có đèn lồng, hoa đăng trải dài trên khắp lối đi cũng như một nét đặc biệt của đêm hội phố cổ. Nhưng có một hoạt động luôn được người dân nơi đây quan tâm và luôn có sức hấp dẫn đối với du khách nước ngoài đó là thả hoa đăng trên sông Hoài. Mỗi hoa đăng được thả như một điều ước, tâm nguyện của một ai đó, tất cả cùng xuôi trên dòng sông Hoài lững lờ trôi tạo nên một dòng sông hoa đăng. Ngay cả những con thuyền neo đậu trên sông cũng được thắp bằng ánh sáng của đèn lồng cộng với ánh sánh của hoa đăng phản chiếu ánh nước khiến cho cả dòng sông như lung linh sắc màu, huyền ảo. Sông Hoài lúc này được ví như dải ngân hà với muôn ngàn tinh tú lấp lánh luôn sống động theo sóng nước dập dềnh.
Lung linh lế hội hoa đăng ở Hội An
Trung Thu Hội An không náo nhiệt bởi các đoàn lân hầm hố được trình diễn với kĩ thuật điêu luyện mà chỉ với những con lân nhỏ do các em nơi đây tự đứng ra biểu diễn. Với không khí nô nức của đêm hội cùng với tinh thần hồn nhiên, trong sáng nên các đội lân luôn được cổ vũ nhiệt tình và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Trong không khí rộn ràng ngày hội, dẫu đi ngang qua bao ngõ phố đông đúc nhưng Hội An vẫn luôn giữ cho mình chút nhẹ nhàng, yên bình vốn có.
Múa lân- Hoạt đông không thể thiếu trong đêm trung thu
Đặt chân đến Hội An tức là bạn cũng đặt chân đến một nơi phong phú và đa dạng về ẩm thực. Hơn nữa nơi đây còn có những món ăn được cho là đặc sản đã tạo nên thương hiệu như cơm gà, cao lầu…Vậy thì tại sao không thử để cảm nhận trọn vẹn hơn hương vị phố cổ mang đến cho bạn “ đã con mắt mà còn no cái bụng”.
Cao Lầu
Khỏi phải nói ai cũng biết Cao Lầu nức danh nơi đây mà chỉ riêng Hội An mới đem đến cho bạn hương vị thơm ngon mà cũng hết sức đặc biệt này. Sợi Cao Lầu được làm từ gạo ngâm với nước tro, mà phải là loại tro được đốt từ củi tràm ở Cù Lao Chàm ngâm cùng nước giếng Bá Lễ. Vì vậy mới tạo nên màu sợi cao lầu vàng đẹp mắt.
Cái đặc biệt của cao lầu đó là nước lèo.Nước lèo của món cao lầu là nước thịt xá xíu, chỉ được chan xâm xấp vừa đủ ướt và được ăn nguội, chứ không phải dùng nóng như các món có nước lèo khác. Nhân cao lầu là thịt xá xíu ăn kèm với tóp mỡ hoặc sợi cao lầu chiên giòn, rau sống (lấy từ làng rau Trà Quế), nước tương và tương ớt. Bạn sẽ rất dễ dàng tìm thấy nhiều quán ăn từ lề đường đến nhà hàng sang trọng bán món ăn này, tuy nhiên không phải chỗ nào cũng có hương vị thơm ngon và giá cả giống nhau.
Cao Lầu-Món ăn đặc trưng của người Hội An
Nếu muốn thưởng thức cao lầu ngon và đúng vị thì quán Bà Bé nằm trong khu chợ ngay đầu đường Trần Phú là lựa chọn hàng đầu của bạn. Bởi quán được khá nhiều kháo nhau về hương vị thơm ngon, hấp dẫn của cao lầu và giá cả lại hợp lí. Ngay trong chợ Hội An cũng có khá nhiều quán ăn bán cao lầu với giá cả bình dân.
Với những ai thích không gian rộng rãi, lịch sự thì nên đến quán ăn Trung Bắc, quán có tuổi thọ hơn 100 chuyên bán về cao lầu nên hương vị gia truyền vẫn còn lưu giữ từ xưa đến nay. Quán rất được các du khách và người dân ưa thích bởi cao lầu đúng vị, phục vụ lại nhanh nhẹn, nhiệt tình, hiếu khách.
Ngoài ra nếu muốn chọn những quán bình dân vỉa hè thì khu ăn uống quanh bờ sông Hoài, khu ẩm thực Cẩm Phô với không gian rộng rãi, sạch sẽ, hơn nữa nằm cạnh sông nên có gió thổi mát, ngắm cảnh vật hai bên bờ sông sẽ là địa điểm thú vị cho những ai thích thư giãn, ngắm cảnh. Khu ăn uống là một dãy các quán ăn chủ yếu bán những món ăn đặc sản Hội An với giá bình dân nhưng lại phục vụ cực kì vui tính và hiếu khách. Chỉ cần gọi cao lầu và ngồi chờ khoảng 5 phút bạn sẽ có ngay một tô cao lầu thơm ngon trước mặt.
Tham khảo địa chỉ các quán Cao Lầu ngon ở Hội An:
Quán Bà Bé: http://www.foody.vn/quang-nam/cao-lau-ba-be
Quán Trung Bắc: http://www.foody.vn/quang-nam/trung-bac-restaurant
Khu ẩm thực Cẩm Phô: http://www.foody.vn/quang-nam/am-thuc-cam-pho
Cơm Gà
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cơm gà bởi bên cạnh cao lầu, cơm gà cũng là món ăn đặc trưng của vùng đất này. Để chế biến được món cơm gà đúng vị thơm ngon xứ Quảng thì phải kì công và mất nhiều thời gian.
Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm, đó chính là loại gà kiến được nuôi rất nhiều ở những vùng quê ở xứ Quảng, tuy gà nhỏ con nhưng thịt đặc biệt thơm ngon, hấp dẫn. Gà sẽ được làm sạch, lấy hết tiết, rồi bỏ vào luộc lúc nước còn nguội. Cơm sau khi nấu sẽ có màu vàng của nghệ, mùi thơm của lá dứa và vị béo ngọt của nước gà. Một đĩa cơm bày ra là đầy đủ những hương vị và nguyên liệu thơm ngon: cơm vàng bốc khói vương mùi hấp dẫn, gà xé sợi bỏ lên bên trên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt.
Cơm gà Hội An
Cũng như cao lầu, cơm gà được bán khắp các quán ăn lớn nhỏ ở Hội An. Tuy nhiên có một số quán ăn được nhiều người biết đến đó là quán cơm gà Bà Mận, quán nằm bên vỉa hè ở bên bờ sông Hoài, cách Chùa Cầu khoảng 20m. Ngoài ra còn có quán Cơm Gà Hội An ở 17/4 Nhị Trưng cũng được nhiều người lựa chọn.
Đặc biệt nổi tiếng về cơm gà được nhiều du khách biết đến là quán cơm gà Bà Đình – 140/3 Trần Phú và quán Cơm Gà Bà Buội – 22 Phan Chu Trinh. Hai quán này có từ lâu và rất nổi tiếng, những ai đến Hội An lần đầu nên ghé đây thưởng thức và chắc chắn bạn sẽ không hối hận cho lựa chọn của mình.
Ngoài ra còn một số quán ăn khác cũng có món cơm gà như quán Dũng – 38 Phan Chu Trinh, quán Thanh Thanh – 152 Trần Phú. Bình dân hơn chút thì có khu ẩm thực Cẩm Phô với dãy các quán ăn có các món đặc sản Hội An, trong đó có cơm gà.
Tham khảo một số quán cơm gà ngon ở Hội An:
Cơm gà Bà Buội: http://www.foody.vn/quang-nam/com-ga-ba-buoi
Cơm gà Bà Đình: http://www.foody.vn/quang-nam/com-ga-ba-dinh
Cơm gà Hội An: http://www.foody.vn/quang-nam/com-ga-hoi-an
Cơm gà cô Mận: http://www.foody.vn/quang-nam/com-ga-co-man
Quán Vạn Lộc: http://www.foody.vn/quang-nam/van-loc
Mì Quảng
Cũng như Cao Lầu, Mì Quảng cũng là món ăn nổi tiếng ở Hội An. Mì Quảng ngày nay đã trở nên thông dụng với hầu hết tất cả mọi người nhưng khi thưởng thức ở Hội An vẫn luôn mang một hương vị đậm đà khó quên. Với những loại “nhưn” thường thấy như tôm, gà, thịt..cùng với đĩa rau sống, bánh tráng mè nướng giòn, Mì Quảng Hội An nức lòng du khách viếng thăm.
Mỳ Quảng Hộ An
Cũng như các món ăn thường thấy nơi đây, Mì Quảng cũng được bán khắp các con đường. Nếu muốn trải nghiệm hương vị bình dân du khách có thể các quầy bán Mì Quảng ở chợ Hội An, hay trong không gian thoáng đãng ở khu ẩm thực quanh sông Hoài. Còn với các thực khách khó tính thì nên thử đến với quán Phương trên đường Hai Bà Trưng. Quán có không gian rộng rãi, thoáng mát cùng với nét cổ kính vốn có của Hội An chuyên phục vụ các món ăn đặc sản Hội An với hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
Tham khảo địa điểm mì quảng ngon Hội An: http://www.foody.vn/quang-nam/mi-quang-cao-lau-phuong
Bánh bao, bánh vạc
Nói đến các món ăn vặt thì Hội An như một thiên đường với những ai đam mê. Nổi tiếng nhất ở Hội An về khoản này là bánh bao, bánh vạc. Tương tự nhau về cách chế biến và thưởng thức, nguyên liệu để làm các loại bánh này là những hạt gạo trắng còn nguyên hạt, dẻo thơm. Tuy nhiên có một sự khác biệt là nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với tiêu xay, hành, tỏi, sả và gia vị. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá xắt lát mỏng rồi xào với gia vị. Để tạo nên hương vị đặc trưng của bánh bao, bánh vạc Hội An là gia vị bí truyền mà hẳn thiếu nó sẽ mất đi hẳn hương vị thơm ngon của những chiếc bánh.
Bánh bao , bánh vạc nức lòng du khách
Đến Hội An có một nhà hàng chuyên phục vụ các loại bánh này là nhà hàng Hoa Hồng Trắng trên đường Nhị Trưng. Đến đây thực khách không chỉ thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh bao, bánh vạc mà còn được chứng kiến quy trình làm để tạo ra những chiếc bánh thơm ngon đó.
Tham khảo địa điểm : http://www.foody.vn/quang-nam/hoa-hong-trang-banh-bao-banh-vac
Bánh tráng đập
Có một món ăn bình dân nhưng cũng không kém phần đặc sắc đó là bánh tráng đập. Một chiếc bánh tráng nướng giòn kèm theo mì lá rồi đập dâp lại với nhau, ăn kèm với nước mắm chấm hay xúc với hến xào luôn là món ăn chơi cực hấp dẫn đối với mọi người. Có một khu chuyên về món ăn này đó là khu Cẩm Nam, nơi đây có nhiều quán ăn san sát nhau bán món này. Có lẽ nổi bật nhất trong số đó là quán ăn Bà Già bởi không chỉ hương vị thơm ngon, quán có không gian khá rộng rãi, thoáng mát. Thú vị hơn nữa là thực khách vừa nhâm nhi vừa có thể ngắm nhìn cảnh sông nước hữu tình.
Bánh tráng đập giòn tan với vị mắm nêm đậm đà
Tham khảo thêm địa điểm bánh tráng đập ngon ở Hội An:
Quán Bà Già: http://www.foody.vn/quang-nam/quan-an-ba-gia
Bánh tráng đập Hội An: http://www.foody.vn/quang-nam/banh-trang-dap-hoi-an
Bánh xèo Hội An
Bánh xèo Miền Trung luôn mang một hương vị đặc trưng rất riêng, tuy nhiên để thưởng thức bánh xèo chất nhất phải kể đến bánh xèo Hội An. Ngoài nguyên liệu chính là bột gạo, người ta thường dùng thêm tôm, thịt làm nhân bánh. Đến với quán Bale Well ở đường Trần Hưng Đạo, thực khách sẽ được thưởng thức hương vị món bánh xèo Hội An thơm ngon đúng vị. Ngoài ra quán còn phục vụ nem lụi, thịt nướng, ram cuốn.
Bánh xèo Hội An
Là một thương cảng nổi tiếng từ xưa, Hội An là nơi thông thương của nhiều nền văn hóa. Cùng với đó là sự giao thoa về ẩm thực mang đến cho Hội An những món ăn đặc trưng của các nền văn hóa khác mà tiêu biểu đó là Hoành Thánh. Là một món ăn của người Hoa nhưng du nhập vào Hội An đã khá lâu, Hoành Thánh cũng được xem như một món đặc sản của phố cổ. Hoành thánh ở đây được chia thành nhiều loại như hoành thánh súp, hoành thánh mì, hoành thánh chiên và mỗi loại lại có một nguyên liệu kèm theo như heo, gà, tôm…Nếu muốn thưởng thức hương vị Hoành Thánh đặc trưng của Hội An, bạn nên ghé quán Vạn Lộc – 22 Trần Phú, nơi đây luôn thu hút đông khách bởi sự phục vụ chu đáo cùng với hương vị hoành thánh thơm ngon, đậm đà không thể quên.
Tham khảo địa điểm bánh xèo ngon Hội An: http://www.foody.vn/quang-nam/van-loc
Hội An không chỉ say mê đối với du khách bởi không gian phố cổ đặc trưng, các làng nghề truyền thống mà còn bởi hương vị các món ăn hết sức đặc trưng. Hơn nữa nếu đến thăm Hội An vào dịp Trung Thu, Hội An như khoác thêm lớp áo sặc sỡ cùng các hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống sẽ là dấu ấn khó quên trong lòng mỗi du khách.
Hồng Lai-Foody.vn
Post a Comment