Header Ads


Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc và văn hóa truyền thống, Hội An còn khá nổi tiếng về phương diện ẩm thực độc đáo. Một trong những món ăn hấp dẫn du khách tại đây đó chính là Mì Quảng.
MÌ QUẢNG – HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ
Có một câu nói khiến tôi rất thích dù không nhớ rõ đã nghe khi nào và của ai nữa:
“Tôi là một con lừa, thích thồ những kỉ niệm”
Sau bao năm xa quê, hành trang gói ghém bên mình không chỉ là ân cần, nhắn gởi của những người thân yêu mà còn là hình ảnh của một làng quê yên bình, êm ả. Nhét vội yêu thương vào niềm nhớ, để mỗi lần khoác ba lô trên vai, và lại đi, tôi luôn tự hào với lũ bạn: Ừ tôi người nhà quê.
Để rồi sáng nay, khi Mẹ gọi hỏi thăm, nghe mình sắp như vỡ òa trong nức nở: “ Mùng 5/5 này nhà mình nấu Mì Quảng”.
Với nhiều người sẽ nghĩ “Ừ thì Mì Quảng, có gì đâu. Bây giờ ở đâu mà chẳng có”. Ngày nay thật dễ dàng để tìm trên khắp các đường phố, các bảng hiệu Mì Quảng vẫn nhan nhản mọc lên. Nhưng để tìm đúng được hương vị Mì Quảng thơm ngon, hấp dẫn thì không đâu khác, chỉ có xứ Quảng – nơi sinh ra món ăn này mới cho bạn được hương vị thơm ngon, đúng vị mà bạn cần tìm. Và cũng chỉ có những ai xa quê bao năm như chúng tôi, có sinh ra trên mảnh đất mà mà Mì Quảng đã quen thuộc với từng nếp nhà mới thấu hiểu cái mùi quê vang vọng.
Mì Quảng tôm thịt
Nhà tôi có truyền thống tráng mì, để tạo ra những sợ mì trắng nõn hấp dẫn kia thì phải trải qua công đoạn tạo ra nó, và quê tôi gọi đó là tráng mì. Nhưng nói vậy không phải đơn giản đâu nhé, nó là bao hàm cả những chuỗi công đoạn trước đó nữa. Này thì, đầu tiên phải là chọn gạo để tráng mì. Gạo phải là gạo dẻo, không được lẫn bất kìa hạt thóc hay gì cả, gạo được xay xát cho thật trắng để loại bỏ hết hết lớp cám, bởi nếu còn cám sẽ khiến sợi mì mau thiu, không giữ được lâu và mì cũng không đạt được độ trắng cần có. Sau đó đem gạo đi vo, gạo phải vo nhiều lần, tới khi nào nước vo gạo trong thì vớt ra để ráo. Khi gạo đã khô ráo và mềm tới một mức nào đó thì bắt đầu đem đi xay. Ngày trước tôi thích đứng nhìn Bà và Mẹ xay gạo bằng cối đá, mỗi lần vòng quay, những hạt gạo nghiền nát tạo thành dòng sữa bột sóng sánh mịn chảy đều đều.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm Mì Quảng nhưng thú thật tôi không biết cách tráng mì. Không hẳn là không biết bởi cũng có những lần mon men xin Mẹ cho tráng thử nhưng không thể tạo ra nhưng lá mì ngon như ý. Nói vậy mới thấy không phải bất kì ai cũng có thể làm được việc này, bởi một người tráng mì Quảng ngon phải tạo ra lá mì mỏng, mướt, khi đổ bột lên khung phải nhanh tay khoáy đều để tản bột ra, tạo nên một lá mì cân đối không để cho chỗ dồn bột, chỗ mỏng, như thế mì sẽ không đẹp mắt, ăn không ngon.
Thích nhất là những ngày mùa lạnh, bên bếp lò ấm sực, khi mẹ đưa thanh nan vớt những lá mì còn nóng hỏi ra, sẵn với cái bụng đói, tôi ngấu nghiến lá mì vẫn còn thơm mùi gạo mới một cách ngon lành. À tôi đã nói chưa nhỉ, những lá mì Quảng quê tôi không chỉ làm thành những tô Mì Quảng mà bạn còn có thể ăn không chúng với nước chấm, hoặc làm Mì Quảng trộn, thường là với tôm và thịt, hoặc là làm bánh tráng đập. Bánh tráng đập là một kiểu biến tấu khác của những lá mì. Đó là cách bạn đặt 2 lá mì bên ngoài 1 chiếc bánh tráng và đạp dập chúng lại và ăn chúng kèm với nước mắm chấm.
Nguyên liệu chính để tạo ra món Mì Quảng thơm ngon là sợi mì, nước nhưn và rau sống. Ở quê tôi mì được bán khắp các chợ lớn nhỏ, chỉ cần muốn mua bao nhiêu thì những người bán sẽ cắt sợi luôn ra cho bạn chứ không cắt trước như các nơi khác.
Nhưn thường là nhưn tôm thịt, nhưng ngon nhất là nhưn gà. Mà gà phải là gà ta, tức là giống gà được nuôi trong vườn mỗi nhà, thịt gà chắc, thơm ngon. Nhưn được xào mặn cho gia vị thấm đậm đà, còn nồi nước dùng được nấu riêng bằng nước luộc gà cùng với thơm, cà chua và cà rốt.

Mì Quảng gà tôm
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến rau sống, bởi rau sống là thành phần quan trọng của một tô Mì Quảng. Rau sống xanh non, mướt mắt là hỗn hợp của nhiều loại rau như xà lách, bắp chuối xắt thật mỏng, giá đỗ, và đặc biệt là rau thơm. Rau thơm ở quê phong phú và có một dậy mùi thơm nồng đặc trưng, rau sống ăn Mì Quảng đúng vị nhất phải là có nhiều rau thơm như quế, ngò, húng các loại.
Rau sống ăn kèm với Mì Quảng
Một tô Mì Quảng hoàn chỉnh sẽ là những sợi mì xếp phía dưới, bên trên là nhưn, kèm theo là đậu phộng , hành lá xắt nhỏ rải đều bề mặt. Khi nào muốn ăn thỉ chỉ cần cho nước dùng vào nữa mà thôi. Sở dĩ không cho nước vào chung là là để tránh để lâu sẽ khiến mì chua, mau thiu. Bên cạnh tô mì sẽ là đĩa rau sống, bánh tráng nướng, chén nước mắm tỏi ớt, vài lát chanh và ít trái ớt.
Tô Mì Quảng hoàn chỉnh, thơm ngon, bắt mắt
Mì Quảng đối với những người con xa xứ chúng tôi không chỉ là là một món ăn đặc trưng về một vùng đất mà còn thấm đẫm tình quê, tình người.
Và bạn, nếu có cơ hội đến quê tôi, chỉ xin bạn nán lại đôi chút, tranh thủ thưởng thức hương vị Mì Quảng trên quê hương xứ Quảng để cảm nhận hết hương vi của món đặc sản này. Và sẽ thật may mắn nếu như bạn được thưởng thức Mì Quảng được nấu bởi nhà một người bạn, một người thân quen nào đó, sẽ rất đặc biệt bởi nó chan đầy tình cảm nồng hậu của những người quê chân chất, mộc mạc nhưng đầy yêu thương.
Còn với những người bận rộn, với quỹ thời gian ít ỏi, bạn có thể thưởng thức Mì Quảng như:
Quán Phương – 617 Hai Bà Trưng, Hội An:
Quán Dũng – 38 Phan Chu Trinh, Hội An:
Khu Ẩm Thực Hội An – 1 Nguyễn Phúc Chu, Hội An.
Khu Ẩm Thực Cẩm Phô ngay chân Chùa Cầu, Hội An.
và còn rất nhiều quán ăn lớn nhỏ khắp mọi con đường nơi đây.
Hồng Lai - Foody.vn
Bạn có thể tham khảo thêm về các địa danh du lịch trong nước và quán xá ở đó tại link dưới:

Được tạo bởi Blogger.