Người Việt Nam ở phía Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 sau hiệp định Geneva mang theo món phở và phở đã bắt đầu có những sự khác biệt. Tại miền Nam, nhất là tại Sài Gòn, thịt bò trong phở thường được bán theo 5 kiểu: chín, tái, nạm, gầu, gân tùy theo ý thích của khách, ngoài ra còn 1 chén nước béo (nước mỡ của xương bò) để riêng nếu khách muốn. Phở tại miền Nam thường phải bán đi kèm với tương ngọt (tương đen), tương ớt đỏ và chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá (trụng nước sôi hoặc ăn sống), hành tây cắt lát mỏng (có thể ngâm với dấm), đó là những loại rau bắt buộc phải có, thường là để riêng trong một dĩa hay rổ bán kèm theo từng tô phở, khách thích thứ nào thì lấy bỏ vào tô của mình. Sau này, nhiều quán còn thêm vào đĩa rau đó: ngò ôm (rau ngổ), húng Láng, hành lá dài, các loại rau thơm khác.... Nước phở (nước lèo) thường không được bỏ bột ngọt (mì chính) như ở Hà Nội và có màu hơi đục, không trong như phở Bắc, đôi khi ngọt hơn, béo hơn và nấu bằng xương gà, thêm con khô mực hoặc củ hành nướng và gừng nướng.
Có khá nhiều quán phở nổi danh ở Sài Gòn trước năm 1975: phở Công Lý, phở Tàu Bay, phở Tàu Thủy, phở Bà Dậu, phố phở Pasteur (với rất nhiều quán phở chuyên bán phở bò), phố phở Hiền Vương (chuyên bán phở gà). Hầu hết các quán phở này nay vẫn còn, truyền đến đời cháu nhưng "không còn cái hương mãnh liệt" và "không còn xuân sắc như thuở trước 75". Hiện nay, nổi tiếng có các hệ thống Phở 24, Phở Hùng, Phở 2000...
Sau 1975 phở Sài Gòn theo chân người vượt biên tới Mỹ, Úc, Canada. Riêng tại Mỹ, thống kê không chính thức năm 2005 cho biết doanh thu các cửa hàng phở Việt Nam trên toàn nước Mỹ lên tới khoảng 500 triệu USD một năm.
Ngày nay phở đã là món ăn yêu thích được bán ở khắp mọi ngóc ngách của Sài Gòn. Hơn nữa, phở còn có nhiều biến tấu thành phở gà, phở khô, phở trộn… góp phần làm cho món ăn nổi tiếng của Việt Nam thêm phần phong phú, đa dạng.
Sau đây là một số loại phở và hiệu phở được yêu thích tại Sài Gòn.
PHỞ NƯỚC BÒ/GÀ
Đây là hai trong số những loại phở thường được thực khách lựa chọn nhiều nhất ở Sài Gòn, bởi độ ngon đặc trưng, nước dùng đậm đà và giá tiền thì khá phù hợp với lượng thịt ngon kèm theo nhân. Phở nước bò hay gà, thì phần đặc trưng nhất và cũng níu kéo chân thực khách trở lại, chính là công đoạn làm nước dùng sao cho thật đặc biệt.
Trong món phở, công đoạn chế biến nước dùng, còn gọi là nước lèo, luôn là công đoạn quan trọng nhất. Nước dùng của phở được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị để mang lại mùi vị đậm đà và ngọt thanh cho món ăn. Xương ống sau khi được rửa sạch, cạo hết phần thịt bám rồi nhanh chóng cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước tránh bị nhiễm mùi hôi của xương bò. Công đoạn này rất quan trọng để nước luộc lần sau - nước lèo - mới được ngon.
Sau đó, gừng và củ hành được đem nướng từ trước được cho vào nồi nước. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt... Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa.
Quy trình làm nước lèo rất quan trọng vì nó sẽ khiến thực khách có cảm giác vừa miệng hay không. Do đó, nó đòi hỏi sự khéo léo và bí mật riêng mà ống xương được ninh ra ngon ngọt. Cho một ít gia vị vào và điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương tan vào nước lèo. Những gia vị này là được mỗi quán dùng với liều lượng khác nhau để thực khách có sự đa dạng về khẩu vị để lựa chọn.
Có tiệm không dùng xương ống bò, mà thay vào đó là dùng xương gà để ninh nhừ ra cho nước dùng ngọt. Độ ngọt của xương gà có phần thanh nhẹ hơn độ đậm đà của nước lèo được ninh từ xương ống bò. Đặc biệt, thứ nước dùng này được dùng kèm với thịt gà sẽ làm cho miếng thịt thêm dậy mùi và thơm nức mùi gà và có vị vừa phải để thực khách vừa cảm nhận được chất lượng thịt cũng như mùi các gia vị khác.
Tùy vào khẩu vị của thực khách, thông thường, khi vào quán, khách sẽ gọi ngay tên tô phở với loại thịt mà mình yêu thích. Thịt bò thường có tái – nạm – gầu – bò, còn thịt gà thường là thịt gà luộc. Và thường thì khi món phở được dọn ra, quán sẽ cho kèm một đĩa rau đầy ắp nào là rau muống, rau thơm, ngò, giá… cùng chang, tương để nêm nếm. Tùy mỗi người mà thường họ sẽ lựa chọn xem mình ăn rau sống hay rau trộn cho hòa hợp với món ăn tinh tế này.
Tô phở nóng hổi, được phủ một lớp ngò phía trên lớp thịt đầy đặn, vắt một miếng chanh rồi cho rau vào, trộn đều lên rồi dùng đũa thưởng thức hương vị đặc biệt của món ăn. Trong những ngày lạnh, xì sụp húp tô phở thơm béo cùng vị thịt ngon ngọt, chắc chắn sẽ là một hương vị khó cưỡng lại.
Phở bò
Phở gà
Các tiệm nổi tiếng lâu đời
Phở/miến gà Kỳ Đồng: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/pho-mien-ga-ky-dong
Phở Thìn: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/pho-thin
Phở Tàu Bay: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/pho-tau-bay
Các hệ thống phở
Bên cạnh những tiệm phở nổi tiếng lâu đời, ở Sài Gòn trong những năm gần đây có rất nhiều hệ thống cửa hàng phở được thành lập nhằm chuẩn hóa chất lượng và mở rộng quy mô phục vụ món ăn hấp dẫn này ra khắp nơi.
Phở 24
Thông tin về các chi nhánh Phở 24: tại đây.
Phở Hùng
Thông tin về các chi nhánh Phở Hùng: tại đây.
Phở Vina One
Thông tin về các chi nhánh Phở Vina One: tại đây.
PHỞ KHÔ
Phở khô thực chất là hủ tíu vì theo thói quen của người dân ở Gia Lai thì phở được gọi là hủ tíu. Phở được trộn khô với xì dầu, hành phi và các loại thịt như: heo, bò, gà, tái, gàu và kèm nước dùng chính là nước lèo phở. Đặc biệt, loại nước dùng với phở khô không trong veo như món phở của các địa phương khác nhưng đậm đà và ngọt lạ nhờ những lát thịt bò non hoặc thịt bê được chọn kỹ, mềm và rất tươi ngon.
Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai. Những ai lần đầu tiên thưởng thức món phở khô của người dân nơi phố núi thường không khỏi ngạc nhiên trước sự “hoành tráng” của món ăn này. Món phở khô được dọn lên gồm một tô bánh phở, một tô súp, đĩa rau sống nhiều loại đầy vun và một chén tương đậu thơm phức. Có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi món ăn này với một cái tên khác, nôm na, dễ thương mà lại rất gợi hình là “phở hai tô”.
Sợi phở khô thường được trụng sơ rồi đem trộn với thịt băm nhỏ, tỏi, hành phi và tóp mỡ giòn giòn. Và nếu cho thêm ít tương pha ớt bằm (tương hột giã nhuyễn) để có chút vị mằn mặn, beo béo, cay cay, tô phở khô hoàn toàn thuyết phục thực khách quay trở lại.
Từ khi món phở khô “xuống núi”, đến Sài Gòn, người ta đã làm nên những biến tấu để phù hợp với vùng miền. Tô nước súp ngon ngọt không chỉ có thịt bò non xắt mỏng mà tùy theo sở thích từng thực khách còn có thêm bò viên dai dai, sừn sựt và gân bò giòn giòn.
Thông tin về quán Phở Khô Gia Lai: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/pho-hong-phan-xich-long-pho-kho-gia-lai
PHỞ CHUA
Phở chua là món ăn đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn. Khi được du nhập vào Sài Gòn, hương vị của phở chua đã được chế biến khác đi để hợp khẩu vị của người dân nơi đây, nhưng nhìn chung vẫn giữ được những nét cơ bản vốn có.
Phở chua là món ăn thanh mát với vị lạ miệng, được ăn nhiều vào mùa hè và thu với vị chua dịu đặc trưng. Về cơ bản, món ăn cũng giống như các món trộn thịnh hành khác như miến trộn, bún trộn với phần khô và nước dùng tách biệt. Phở chua thu hút thực khách bởi có vị chua chua ngọt ngọt đúng như tên gọi.
Nước sốt me sền sệt chua ngọt quyện với bánh phở, thịt gà, lòng gà, đậu phộng và rau sống làm nên hương vị lạ độc đáo. Nếu cho thêm một chút ớt sa tế và tép mỡ thì món ăn lại càng thêm hấp dẫn. Ăn kèm với phở còn có nước lèo được làm từ nước gà cùng một ít hành lá.
Có thể nói, phở chua là món ăn hoàn hảo, kết hợp đầy đủ mùi vị chua cay mặn ngọt, hòa quyện rất đậm đà. Đây cũng là món ăn khá dễ tính, tuy nhiều thịt nhưng không bị ngấy mỡ, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào
Thông tin về quán phở chua ở Nguyễn Thiện Thuật: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/pho-chua-lang-son-nguyen-thien-thuat
Trải qua một quãng thời gian dài, các món phở cũng đã định hình trong nét văn hóa ẩm thực của người Việt. Món ăn này còn thu hút được một lượng lớn khách du lịch khi ghé đến Việt Nam và trở thành một trong những món ăn nổi tiếng trên toàn thế giới của cộng đồng dân cư Việt ở các quốc gia. Đây có thể xem là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong phong cách ẩm thực của người Việt.
FOODY.VN
Post a Comment