Header Ads


Cá là một trong những loại nguyên liệu chế biến thức ăn ngon mà lại tốt cho sức khỏe. Tùy từng vùng miền có các loại cá đặc trưng khác nhau nên cũng biến tấu cách chế biến khác nhau để tạo nên vị ngon đặc trưng cho từng món ăn tại đây. 


Miền Nam

Bún cá Kiên Giang

Trong số những món ăn làm nên “tiếng tăm” của ẩm thực Kiên Giang phải kể đến bún cá, được làm từ nguyên liệu chính là bún và cá lóc đồng. Cái lạ đầu tiên là tô bún cá Kiên Giang không có mùi mắm như nhiều vùng lân cận mà có vị hơi ngọt, người mới ăn cứ nghĩ là vị ngọt đường, nhưng theo người Kiên Giang chất ngọt ấy là vị tự nhiên của quá trình nấu cá lóc đồng. Gặp mùa cá có trứng, người bán đánh trứng tơi ra, cho vào nồi nước dùng, trứng nổi lên vàng tươi rất hấp dẫn.

 
Cá được nấu chín lấy hết xương, tách từng miếng nhỏ nấu cùng tép tươi. Tép trước khi mang nấu nước dùng thì đem ướp với nước mắm, tỏi, tiêu, đường rồi kho nhỏ lửa cho mặn ngọt, ánh màu gạch mỡ màng. 


Nước chấm pha ăn kèm bún cá được pha chế rất đặc biệt, có củ kiệu chua xé nhỏ tạo nên sự khác biệt. 



Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Kiên Giang

TP.HCM


Cá lóc nướng trui

Đây là món ăn dân dã đặc trưng cho miền sông nước Nam Bộ với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản. Đặc điểm của món này là sử dụng cá lóc không qua bất kì công đoạn sơ chế nào, vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, xuyên vào que dài từ miệng đến đuôi và vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt cho đến khi tro tàn. Cá chín trước khi ăn thì cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.


Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt được pha bằng loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon, vừa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me.


Tại các quán ăn hiện nay, cá lóc nướng trui có thể thực hiện cầu kì trên lửa than hồng, có rưới mỡ hành, cá chín ăn với mắm me và thường được cuốn với bánh tráng, rau thơm các loại.


Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:


Lẩu cá kèo

Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền Tây Nam Bộ đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có vị chua nhẹ, chát chát đặc trưng. 



Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, bắp chuối,…



Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Lẩu cá kèo Tôn Thất Thuyết: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/lau-ca-keo-ton-that-huyet


Miền Trung

Gỏi cá mai 

Gỏi cá là một loại gỏi nổi tiếng ở vùng Nam Trung Bộ. Gỏi cá thì có thể làm bằng nhiều loại cá như cá trích, cá đục, cá rựa, cá suối… nhưng không loại nào ngon bằng cá mai vì không tanh lại ngọt thịt. Cá mai sống ở vùng nước lợ, nơi tập trung nhiều cá mai nhất ở miền Trung là đầm Ô Loan. Cá mai nhỏ như cá cơm, sọc dọc nhưng thịt trong, ngọt và không bị tanh.


Gỏi cá mai tưởng chừng cũng giống như các loại gỏi cá khác được làm bằng cá sống ăn kèm với rau thơm, nhưng khác ở chỗ, gỏi cá mai tươi, giòn tan, hương vị nồng nàn cùng các loại rau hoà quyện cùng nước chấm. Tỏi, ớt, me chín bỏ hột đâm nhuyễn với đường. Đậu phộng rang vàng giã thành bột mịn, thêm vài trái chuối sứ chín mùi, tất cả hoà với nước mắm nguyên chất thành một thứ nước chấm sền sệt ngọt ngọt, chua chua, thơm tho, mặn mà và đậm đà hương vị biển. 


Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Đà Nẵng

TP.HCM


Bún lá cá dầm Nha Trang

Bún lá – cá dầm là tên gọi một món ăn đặc sản của vùng đất Khánh Hòa, mà nổi tiếng nhất là bún lá cá dầm Ninh Hòa. Bún lá là nguyên liệu chính cho món ăn, khi sản xuất người ta xoáy bún thành hình tròn mỏng và được đổ lên một mảnh lá chuối xanh cắt tròn để không bị dính. 


Cá dầm là loại nước lèo để ăn với bún. Cá mua về làm sạch, lấy thịt, bỏ da và xương, ướp chút mắm ngon, hành, ớt, tiêu giã nhỏ. Khi nấu cá được dầm ra từng mảnh nhỏ thả vào nồi nước thêm vài lát cà chua, vài cọng hành hoa vào nồi nước để giữ mùi thơm và tăng hương vị. Loại cá để dầm vào nước lèo phải là loại cá cờ biển hoặc cá bò.


Rau sống để ăn cùng gồm xà lách, hoa chuối, rau thơm vụn bỏ dưới đáy tô, phủ trên là hai lát bún lá rồi chan nước cá nóng bỏng lên trên, vắt một ít chanh tươi, rưới một ít nước mắm ngon tinh khiết và ít ớt sim chưa lai đâm nhuyễn.



Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Nha Trang

TP.HCM


Bún chả cá Đà Nẵng

Bún chả cá là món ăn đặc trưng của khu vực MIền Trung Việt Nam. Đây là món bún làm rất đơn giản, không sử dụng nhiều gia vị, chủ yếu hương vị, chất lượng của món ăn là do nguồn cá tưoi ngon. Cá sau khi được chế biến thành chả, cùng với bún và các nguyên phụ liệu, chan nước dùng nấu từ cá vào sẽ được môt tô bún chả cá.


Bún chả cá được chế biến theo nhiều cách, cầu kỳ thì có thể dùng cá thu hay cá thác lác, bình dân thì có các loại cá khác như: cá mối, cá chuồn, cá nhồng. Cá mua từ sáng sớm để đảm bảo độ tươi ngon nhất, phần xương được lọc ra nấu nước dùng. Công đoạn hầm kéo dài vài tiếng cho đến khi phần ngọt trong xương cá đã ra hết, lọc lấy nước trong, bỏ thêm thơm, cà chua, măng, dưa chua là có một nồi nước dùng ngọt thanh mát.


Phần thịt cá thì băm nhuyễn làm chả. Chả phải làm từ cá nguyên chất, không pha thêm bất cứ loại bột gì để đạt được độ dẻo và vị ngọt đậm đà, tự nhiên. Chỉ cần ít chanh ớt và nêm thêm chút mắm ruốc là dậy mùi thơm quyến rũ.



Tham khảo thêm chí tiết trên Foody:
Đà Nẵng
Bún chả cá Nguyễn Chí Thanh: http://www.foody.vn/da-nang/bun-cha-ca-nguyen-chi-thanh

TP.HCM


Miền Bắc

Chả cá Lã Vọng

Đây là một đặc sản của Hà Nội. Cá làm chả thường dùng là cá lăng tươi – loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Người bán lạng lấy thịt cá từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào cặp tre  có quết một lớp mỡ cho đỡ dính. Khi nướng cá phải quạt lửa liên tục để không bị ám khói, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Trước khi ăn, người bán mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi đặt trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. 



Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ (đang sôi lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. 



Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Hà Nội:
Chả cá Lã Vọng Nguyễn Trường Tộ: http://www.foody.vn/ha-noi/cha-ca-la-vong

TP.HCM:
Chả cá Lã Vọng Hồ Xuân Hương: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/cha-ca-la-vong
Chả cá Lã Vọng Tôn Thất Thiệp: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/cha-ca-la-vong-ton-that-thiep


Bún cá rô đồng Hải Dương

Bún cá rô đồng có nguồn gốc từ Hải Dương thuộc khu vực miền Bắc vùng đồng bằng sông Hồng. Món ăn được làm từ loài cá rô sống trên ruộng đồng nhưng khi trải qua bàn tay của người dân quê thuộc tỉnh Hải Dương thì nó đã trở thành một món ăn độc đáo và gây nhiều ấn tượng đối với du khách. 



Để có bát bún ngon, nhất thiết phải chọn cá rô đồng còn sống trước khi chế biến để thịt cá chắc, mềm và có vị ngọt tự nhiên. Món ăn dùng chung với các loại rau như bắp chuối, rau muống, rau cần... để tạo thêm khẩu vị cho người ăn. Ngoài Bún cá rô đồng thì nem cá rô, cá rô đồng kho nước dừa, canh cải nấu cá rô đồng,… cũng là những món ăn lạ miệng được chế biến tại Hải Dương. 



Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Hải Dương:
Bún cá rô Nguyễn Lương Bằng: http://www.foody.vn/hai-duong/bun-ca-ro

TP.HCM
Bún cá rô đồng Tân Sơn Nhì: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/bun-ca-ro-dong-tan-son-nhi


Cá gập nướng Sơn La

Đã lên đến Sơn La thì đừng bỏ qua món cá gập nướng, món ăn thể hiện sự tinh túy trong giá trị ẩm thực và bàn tay chế biến khéo léo của người dân tộc Thái ở đây. 


Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi được mổ dọc sống lưng và bỏ mật nhưng để nguyên nội tạng rồi nhồi rất nhiều loại gia vị vào bụng cá để ướp bao gồm gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, hung,… và đặc biệt là mắc khén – loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Sau đó gập đôi con cá lại và kẹp vào đoạn tre đem nướng trên lửa hồng.


Miếng cá khi chín vàng đều, không bị ám khói mà vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi.


Để thưởng thức món cá này, du khách thường tìm đến các tỉnh ở vùng núi Tây Bắc vì đây là nơi khai sinh ra món cá nướng gập nên cách chế biến bí truyền ở đây khiến món này ngon nhất mà không nơi đâu bắt chước được.



* Một số hình ảnh tham khảo từ Google

Phương Trâm - Foody.vn

Được tạo bởi Blogger.