Header Ads


Tháng ba về, cùng với cái rét ngọt cuối cùng của mùa đông, người ta lại nhớ đến Tết Hàn Thực (3-3 Âm lịch). Và trong ngày tết đặc biệt này, món bánh trôi, bánh chay đã trở thành tâm điểm của đường phố Hà Nội. Có lẽ vì thế mà nhiều người đơn giản gọi đây là “Tết bánh trôi, bánh chay”.

Nguồn gốc của Tết Hàn thực


Theo nghĩa chữ Hán "hàn" là lạnh, "thực " là ăn; " Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời.
Chuyện kể rằng vào thời Xuân Thu (770-221) trước công nguyên, các nước thôn tính lẫn nhau, thái tử Trùng Nhĩ nhà Tấn phải chạy lánh nạn khắp nơi, hết chạy sang nước Địch lại trốn sang nước Vệ, nước Tề, nước Sở.
Theo hầu thái tử có người tôi trung thành tận tuỵ là Giới Tử Thôi. Trong suốt 19 năm lận đận, gian nan, có lúc hết lương ăn, Giới Tử Thôi cắt thịt đùi  mình nấu cho chủ công ăn. Trùng Nhĩ ăn xong hỏi ra mới biết, lòng cảm phục vô cùng.
Khi thành sự, Trùng Nhĩ phục quốc lên vua tức Tấn Văn Công. Tấn Văn Công phong thưởng cho những người có công rất hậu nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi là người công đầu giúp mình trong khó khăn hoạn nạn.

Nguồn ảnh: Internet

Thấy mọi người được ân huệ, còn mình thì bị bỏ quên, Giới Tử Thôi không oán giận gì, cho rằng đó là nghĩa vụ của bầy tôi rồi tủi phận về nhà dắt mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn (còn có tài liệu viết núi Miên Sơn).
Hai mẹ con sống yên phận trong rừng, không mơ giàu sang phú quý. Mãi sau Vua Tấn nhớ ra cho tìm Giới Tử Thôi nhưng không thấy. Vua cho người vào Điền Sơn tìm không được, đoán biết Tử Thôi còn ở trong đó bèn sai đốt rừng để buộc Tử Thôi phải ra.
Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Vua thương xót, cho lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền. Hôm Tử Thôi bị đốt cháy là ngày 5 tháng 3 âm lịch. Về sau người ta lấy ngày 3 tháng 3 cho tiện.
Người quanh vùng thương xót Tử Thôi bậc trung thần, cứ mỗi năm đến ngày ấy hkiêng đốt lửa 3 ngày, ăn toàn đồ nguội, ngay cả cỗ cúng cũng làm từ hôm trước.
Chính vì cúng và ăn đồ nguội nên gọi là tết Hàn thực.
Người Hoa có tục làm bánh trôi, bánh chay trong tết Hàn thực để tránh đốt lửa.

Cho đến Tết Hàn Thực của người Việt Nam:


Những ngày này, xuống đường đâu đâu cũng bắt gặp những gánh hàng rong, những quán vỉa hè… bán bánh trôi, bánh chay. Trên đĩa, vài bông hoa bưởi thơm ngào ngạt phủ bụi phấn vàng đặt cạnh chục viên bánh trôi trắng tinh khôi. Những bát bánh chay lấm tấm vừng thơm ngập trong nước đường phèn ngọt mát, thả vài hạt đậu xanh như hoa cau rất bắt mắt làm nức lòng thực khách.

Nguồn ảnh: Internet

Cuộc sống bề bộn khiến không còn mấy ai bỏ công hì hục nặn bánh, lấy chuyện xem bánh chìm nổi là cái thú nữa. Với một số tiền không lớn (10.000-15.000 đồng) là có thể mang về những đĩa bánh trôi, bánh chay ngon lành. Khu vực chợ Hôm và phố cổ trở nên nhộn nhịp hơn từ sáng sớm. Có rất nhiều cửa hiệu làm bánh nổi tiếng ở Ngô Thì Nhậm, Hàng Điếu…, khách xếp hàng dài để mua được bánh. Nhà hàng phải tăng lượng người làm, người bán mà vẫn không đủ bánh để phục vụ khách. Nhưng ở đâu đó có những người vẫn vội vã về nhà để tự tay làm cho gia đình những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm ngọt, với vị nếp nồng ấm, vị ngọt đường thanh. Cái phong vị ngày Tết Hàn thực, cái hương nếp nồng nàn, vị ngọt đậm đà, béo ngậy vẫn còn tròn đầy trong cuộc sống hối hả hôm nay.

Nguồn ảnh: Internet

Có người cho rằng, bánh trôi ở Hà Nội mang hương vị riêng, khác hẳn bánh nơi khác, vì có sự kết hợp giữa vị bùi bùi của đỗ, dẻo dẻo, thơm thơm của nếp với mùi thơm của hoa bưởi lẫn với bột sắn dây. Bánh trôi được nặn bằng bột nếp, bọc nhân đường. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, "ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh" là chín, sau đó vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày lên đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm. Bánh chay cũng làm bằng bột nếp, nhưng nhân bằng đậu xanh. Đậu để làm nhân bánh phải là hạt nhỏ, thơm; được đồ chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Từng đôi tay thoăn thoắt điệu nghệ lăn những viên bánh trỏn lẳn, trắng tinh. Tự dưng thấy ngọt ngọt nơi đầu lưỡi, hình như vị bùi bùi của vừng, thơm ngậy của bánh vẫn như đang lan tỏa đâu đây trong không gian của ký ức. Nghĩ đến đấy, tôi vội chạy đi mua một bịch bột lớn rồi mua thêm vài lạng đường, về phòng trọ rồi nhào bột tự nặn những đĩa bánh- cái to cái nhỏ- nhưng ấm cúng đong đầy cả tình quê.

Nguồn ảnh: Internet

Mặc dù bánh này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng ở Tết Hàn thực của nước ta lại có ý nghĩa rất khác và mang đậm đà những nét riêng của văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý và cuộc sống của người Việt. Và riêng với người Hà Nội, Tết bánh trôi, bánh chay đã được duy trì nhiều năm nay, trở thành một nét đẹp trong đời sống phố phường Hà thành.
Tham khảo một số quán bánh trôi ở Hà Nội:
Bánh trôi Quán Thánh: http://www.foody.vn/ha-noi/banh-troi-tau
Được tạo bởi Blogger.