Những ngày cuối năm không khí nô nức, tấp nập len lỏi khắp các phố phường cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, sum họp bên gia đình. Không chỉ trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa cho mình những bộ cánh đẹp để dạo phố mà ẩm thực cũng là mối quan tâm của hầu hết tất cả mọi nhà. Khác với ngày thường, những món ăn ngày Tết mang đậm những nét rất riêng truyền thống của dân tộc, và mỗi vùng miền lại có những món ăn đặc trưng rất riêng của mỗi nơi. Cùng tìm hiểu xem những món ăn truyền thống của ba miền như thế nào nhé.
Miền Bắc
Trong tiết trời “mưa bay bay gió lành lạnh”, người Hà Nội đang hối hả chuẩn bị tết trên những con đường xe cộ đan vào nhau như mắc cửi. Tết của một người con đất Bắc không thể thiếu ký ức về những món ngon cổ truyền được bà và mẹ cầu kỳ chuẩn bị, đặc biệt dành riêng cho bữa cơm gia đình xum họp khi xuân về.
Bữa cơm gia đình xum họp nức lòng bao người xa quê
Bánh Chưng
Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết hình ảnh những chiếc bánh chưng gắn liền với những câu chuyện ngày Tết. Bắt đầu với sự tích “Bánh chưng bánh giày”, bánh chưng là một món ăn truyền thống đã có mặt từ rất lâu trong văn hóa ẩm thực của dân tộc. Đối với người dân ở miền Bắc hẳn trong ngày Tết không thể thiếu những chiếc bánh chưng để cúng ông bà, tổ tiên. Nguyên liệu chính để làm nên những chiếc bánh chưng là gạo nếp, ngoài ra bên trong còn có đậu xanh, thịt heo và được gói trong những lá dong vuông vức. Sau khi gói xong, bánh được đem đi nấu chín, khi chín bánh trở nên mềm, dẻo và có màu xanh đặc trưng của lá. Hình ảnh những đêm tối thức canh nồi bánh chưng hẳn sẽ là kí ức đẹp đối với không ít những người đã trải qua năm tháng tuổi thơ êm đềm.
Giò thủ (giò xào)
Bánh chưng ngon phải ăn với giò xào, hay còn gọi là giò thủ, được chế biến từ tai, mũi, thịt lợn làm sạch, ướp sẵn gia vị, xào lên với nấm hương mộc nhĩ thêm hạt tiêu thơm phức. Mâm cơm ngày tết với đĩa bánh chưng cắt khéo bằng lạt mềm, khoanh giò xào thơm ngon, ăn kèm với hành muối thì quả thực không sơn hào hải vị nào có thể sánh bằng. Hương vị tết tan ra trong miệng, lan tỏa ra không gian, hòa quện cùng với tình cảm gia đình ấm áp.
Món giò thủ ngon tuyệt vời
Dưa hành
Ít nhiều trong chúng ta đã từng nghe đến câu ca dao quen thuộc mỗi khi Tết về:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng”
Đó là những hình ảnh rất đẹp về một cái Tết rất truyền thống của dân tộc ngày xưa. Và trong câu ca đó, ta thấy được một món ăn khá phổ biến của người dân mà thiếu nó hẳn không khí ngày Tết ít nhiều không trọn vẹn.
Để chế biến cho mình món dưa hành ngon trước hết phải là khâu chọn nguyên liệu, củ hành chọn làm cho món ăn này là củ hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ rồi ngâm vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng 2 ngày 2 đêm để hành bớt mùi hăng. Tiếp theo vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột sạch vỏ bên ngoài rồi xếp vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành, gài lại bằng những vỉ tre. Sau 3 tuần lấy hành ra cho vào hũ thủy tinh, nấu nước dấm đường cho vào ngập củ hành. Để khoảng 3 ngày là bạn đã có món dưa hành thơm ngon cho ngày Tết.
Thịt đông
Thịt đông là món ăn khá quen thuộc trong những gia đình ở miền Bắc trong những ngày Tết, với món ăn này bạn không cần mất nhiều thời gian mà vẫn có một bữa ăn ngon lành mang lại bữa ăn ấm cúng bên gia đình. Món ăn này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi còn có cả gà và bì lợn. Sau khi sơ chế thịt thì cho vào bếp ninh nhừ. Khi nấu xong, món ăn được đưa ra khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kĩ lại đến sáng hôm sau là ta đã có được một nồi thịt đông cho ngày tết, Sở dĩ gọi là thịt đông bởi trên mặt của nồi thịt có lớp váng mỡ màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn đóng lại. Thịt đông thường được ăn kèm với dưa hành, khiến cho hương vị ngày Tết thêm đậm đà.
Chè kho
Một trong những tinh hoa của ẩm thực ở miền Bắc là món chè kho – một món chè dân gian thường chỉ được nấu vào ngày tết, để thắp hương tổ tiên và mời khách tới chơi nhà. Bà tôi thường nấu chè kho vào những ngày giáp tết, khi mọi người càng tất bật thì bà lại bình thản chọn những hạt đỗ xanh béo tròn, đãi, ngâm và đồ cho chín tới, sau đó cho vào chảo khuấy đều tay với nước đường. Khi chè đã đặc quánh và ráo thì bắc ra, múc vào những chiếc đĩa nhỏ xinh xắn rồi rắc vừng lên trên, để nguội. Sau bữa cơm tất niên, mỗi thành viên trong gia đình cùng ngồi lại, nếm một miếng chè kho thơm mùi đỗ cùng với tách trà mạn, điểm thêm vài miếng mứt quất hoa sáu cánh dẻo dẻo chua ngọt, cuộc đời những giây phút ấy mới thật quý giá!
Món chè kho – tinh hoa ẩm thực miền Bắc
Ngày tết là khoảng thời gian hiếm hoi mọi người được sống chậm lại trong tình yêu của gia đình, trong những bữa ăn truyền thống ấm áp. Ẩm thực tết Bắc không đơn thuần chỉ là những món ngon thông thường, đó còn là một nét đặc trưng thể hiện tinh thần của tết và tính cách con người Bắc Việt, ưa cầu kỳ và chăm chút cho món ăn cả về nội dung lẫn hình thức.
Miền Trung
Bánh Tét
Nếu như Tết ở miền Bắc là hình ảnh những chiếc bánh chưng thì với miền Trung lại lại hình ảnh những đòn bánh tét. Cũng với nguyên liệu là gạo nếp, đậu xanh, thịt heo nhưng bánh tét sử dụng lá chuối để gói. Không vuông vức như những chiếc bánh chưng, bánh tét khá dài, được buộc lạt thân chắc từ giữa thân cho đến hai đầu để tránh bị thấm nước vào làm hư bánh. Khi chín, bánh cũng có màu xanh đặc trưng, ăn vào sẽ nghe được độ dẻo, mềm của hạt nếp chín và vị mặm mà của nhân bánh.
Thịt heo ngâm nước mắm
Nếu miền Bắc quen thuộc với món thịt đông thì miền Trung lại ưa chuộng món thịt heo ngâm nước mắm. Chọn thịt mông hoặc thịt đùi, da mỏng, lớp mỡ không dày quá, miếng thịt tươi ngon là ba phần da, mỡ và thịt dính chắc, liền lạc với nhau. Tùy ý cắt thành miếng dài ngắn những dày khoảng 3-4 phân là vừa. Cho đường, nước mắm vào một cái nồi vừa đủ. Để thời gian nấu ngắn lại và dễ nấu hơn, người ta thường ngâm đường với nước mắm khoảng 2 hay 3 giờ đồng hồ cho đường tan bớt. Bắc lên bếp, nhỏ lửa kẻo nước mắm rất dễ sôi trào, dùng đũa kim loại hay đũa tre, gỗ... khuấy đều tay, liên tục cho đến khi đường tan hoàn toàn.
Chuẩn bị hũ thủy tinh sạch, có nắp đậy. Hũ vừa đủ chứa số thịt muốn làm. Đổ hỗn hợp nước mắm đã đun sôi để nguội vào hũ sao cho lượng nước cao hơn thịt trong hũ khoảng 5 phân. Như vậy bạn đã có một hũ thịt heo ngâm muối thơm ngon đúng điệu.
Dưa món củ kiệu
Đối với Tết người miền Trung thì ngày Tết không thể thiếu món dưa món củ kiệu khi ăn kèm với bánh tét. Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu…sau khi làm sạch, cắt lát được đem phơi cho héo. Dưa món củ kiệu được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn nên rất kích thích vị giác của bạn. Lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm với lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khó quên, một hương vị rất riêng cho ngày Tết.
Miền Nam
Giống như miền Trung, miền Nam cũng chọn bánh tét là loại bánh đặc trưng phải có trong ngày truyền thống này. Tuy nhiên với miền Nam cũng có những món ăn rất riêng tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực vùng này.
Thịt kho tàu
Là một món ăn truyền thống đặc trưng riêng của miền Nam, hầu như trong ngày Tết nhà nào cũng có chuẩn bị món ăn này. Nguyên liệu cho món ăn này là loại thịt ba chỉ dày, trứng vị và dừa xiêm tươi. Thịt cắt miếng to cỡ 3 ngón tay rồi đem ướp cùng gia vị, nước mắm. Nước mắm dùng kho thịt phải là loại nước mắm ngon nhất. Hột vịt chọn loại hột lo, đỏ lòng là ngon nhất rồi luộc, bóc vỏ, xâm nhuyễn quanh trứng. Sau khi đun sôi nước dừa người ta bỏ thịt vào, sau đó mới bỏ trứng vào rồi nêm nếm. Miếng thịt khi múc ra còn nguyên, khong được bể, khi ăn phải thật mềm, miếng da phải thật cứng mới ngon. Nước của nồi thịt kho phải hơi sánh, vàng óng tự nhiên chứ không phải do thêm nước màu.
Dưa giá
Dưa giá là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết dùng để ăn chung với thịt kho hoặc cuốn bánh tráng. Đây là món ăn kèm giúp cho các món ăn chính trong ngày Tết thêm hương vị, mà cũng là thể hiện sự thông minh vô cùng trong việc kết hợp món ăn của ông cha ta. Vì ngày Tết món ăn nào cũng nhiều dầu mỡ, món dưa giá đơn sơ này sẽ có tác dụng làm "cân bằng". Vì thế, món dưa giá từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trên bàn tiệc ngày Tết ở miền Nam.
Dưa cải chua
Là món ăn phổ biến trong mọi gia đình, nhất là vào dịp Tết. Món ăn này không cầu kỳ chỉ cần làm sạch cải (cắt rễ), phơi héo, trụng sơ và để ráo, sau đó xếp vào khạp hoặc hủ sành, rồi cho hỗn hợp nước muối, đường, phèn chua là được. Khi ăn, cho dưa cải ra đĩa, ăn kèm với thịt kho trứng và cơm nóng thì tuyệt vời. Cái vị chua chua giòn giòn của món dưa cải chua như vương vấn lòng người.
Củ kiệu ngâm chua
Bên cạnh hai món dưa giá và cải chua, củ kiệu là món không thể thiếu trong mọi gia đình, củ kiệu ngâm chua ngon nhất vẫn là do tự tay làm lấy. Trước hết, kiệu phải được ngâm nước tro khoảng 1 đêm cho bớt mùi hăng, sau đó làm sạch rễ và lá, phơi héo khoảng 4 giờ rồi ướp đường, cho vào keo thủy tinh sạch. Nếu muốn lọ kiệu thêm đẹp, bạn có thể trang trí thêm củ cải đỏ cắt hoa. Sau đó cho nước giấm nấu đường để nguội vào rồi đợi đến mười ngày sau là dùng được.
Hồng Lai - Foody.vn
Post a Comment