Header Ads


Mỗi năm cứ đến dịp tết trong mỗi người đều mang trong mình cảm giác nôn nao, háo hức đón chào ngày lễ lớn nhất trong năm. Nhiều người ở xa sau một năm bôn ba được trở về nhà, tề tựu với gia đình người thân. Có người muốn dành trọn những ngày lễ để nghỉ ngơi sau một năm dài miệt mài làm việc. Hòa trong không khí rộn ràng của những ngày cận tết, ai cũng có kế hoạch trong vui chơi giải trí. Nhân dịp Tết Nguyên Đán đã rất cận kề, Foody giới thiệu tới các bạn một số địa điểm nên lui tới trong dịp này.

Thành phố Hồ Chí Minh

1. Lễ Hội Đường Sách Tết Giáp Ngọ

Lễ Hội Đường Sách Tết Giáp Ngọ với chủ đề Thành phố tôi yêu với quy mô số lượng lớn các khu sách cũng như đầu sách kết hợp hoạt động vui chơi giải trí. Lễ hội được tổ chức từ 28-01-2014 ( tức 28 âm lịch) đến ngày 03-02-2014 (mùng 4 tết) tại đường Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế.
Sẽ có bảy khu sách bao gồm sách tổng hợp, sách điện tử, cafe sách, khu sách dành cho thiếu nhi, nhi đồng và năm khu sách chuyên đề trên đường Nguyễn Huệ với sự tham gia của nhiều đơn vị sách.


Lễ hội đường sách Tết Giáp Ngọ 2014cùng với thời gian hoạt động của đường hoa Nguyễn Huệ hứa hẹn tết này khá là vui vẻ, nhộn nhịp.

2. Chương trình Tết Việt tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên

Đây là lần thứ 5 Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức lễ hội này, diễn ra từ 19-1 đến 4-2 (nhằm 19 tháng Chạp năm Quý Tỵ đến mùng 5 Tết Giáp Ngọ).
Tại lễ hội, nhiều hoạt động giải trí, vui chơi dịp tết cổ truyền như phố ông đồ, ca nhạc phục vụ miễn phí cho công chúng hằng đêm với nhiều nội dung phong phú. Bên cạnh đó Nhà Văn hóa Thanh Niên còn kết hợp với Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức trưng bày báo xuân của các đơn vị báo chí trên đại bàn thành phố. 




3. Đường hoa Nguyễn Huệ

Mỗi năm vào dịp tết thì đường hoa Nguyễn Huệ đều mang những sắc thái riêng. Trong năm nay điểm nhấn của đường hoa sẽ là những chú ngựa dũng mãnh đang tung vó biểu trưng cho việc chạy đua vượt thời gian, vượt khó khăn để tiến lên phía trước.
Đây sẽ là địa điểm mà người dân có thể cảm nhận rõ nét nhất không khí xuân. Tất cả được thổi hồn vào những đóa hoa nhiều màu sắc tỏa hương thơm ngát đang khoe mình dưới ánh nắng xuân. Đến với đường hoa Nguyễn Huệ các bạn tha hồ sáng tạo ra những bộ ảnh đẹp trong năm mới. Dự kiến đường hoa Nguyễn  Huệ trong năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 28 đến mùng 4 âm lịch.


4. Công viên Đầm Sen, Suối Tiên

Hai công viên lớn nhất Sài Gòn sẽ có rất nhiều chương trình, hoạt động diễn ra trong dịp tết. Đón chào năm mới Suối Tiên trang trí hoành tráng với hàng ngàn bóng đèn rực rỡ cùng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc và nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn.
Đến với Đầm Sen bạn lại được chiêm ngưỡng những công trình băng đăng độc đáo, khám phá thủy cung. Cùng thử độ gan dạ của bản thân với nhiều trò chơi mạo hiểm như tàu lượn siêu tốc, trượt nước. Ngoài ra, trong đêm giao thừa đây cũng là địa điểm tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới và những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc xuyên suốt các ngày đầu năm.

Công viên văn hóa Đầm Sen sẽ tổ chức nhiều sự kiện, chương trình giải trí đặc sắc phục vụ du khách liên tục từ mùng 1 đến mùng 10 Tết, trong đó có chương trình “Chợ Tết 3 miền” tái hiện không khí mua sắm Tết, ngoài ra còn các hoạt động văn hóa dân gian như: hát văn, quan họ, đờn ca tài tử, hò đối đáp, các trò chơi: ném còn, bịt mắt đập niêu. Ngoài ra còn có “Đường mai Đầm Sen” với chủ đề “Sức dân”, với 500 cây mai, 1.000 chậu trồng 20 loài hoa đủ sắc màu.




5. Phố ông đồ

Phố ông đồ đã xuất hiện trên đường Trương Định (ngã tư Trương Định - Điện Biên Phủ). Tuy không đông đúc như mọi năm nhưng với bút lông, giấy dó, các ông đồ đang vẽ nên mùa xuân, mùa của yêu thương. Với bút nghiên, giấy đỏ mực tàu làm đỏ rực cả một góc phố, để người người rạng ngời dạo phố chọn câu liễn đối, ông đồ chăm chút từng nét bút để làm sao như rồng bay phượng múa mong gia chủ hạnh phúc, bình an, phát tài phát lộc trong năm mới. 
Năm nay, phố ông đồ mừng xuân Giáp Ngọ 2014 do Cung văn hóa Lao Động TPHCM tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 18 và kéo dài đến 28-1-2014 tại đường Nguyễn Thị Minh Khai. “Phố ông đồ” của Cung văn hóa Lao Động có 37 chiếu viết thư pháp tại chỗ và trưng bày các vật phẩm lưu niệm phục vụ khách du xuân. 
Ngoài ra, phố ông đồ sẽ được tổ chức ở một số địa điểm như: Nhà văn hóa Thanh Niên, đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân Tao Đàn, CLB Văn hóa - TDTT Nguyễn Du (quận 1), Trung tâm Thể dục Thể thao quận 10 (đường Thành Thái)...


5. Sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim

Tết đến xuân về các sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch ra mắt hàng loạt show hấp dẫn với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng. Nếu bạn là người yêu thích âm nhạc, muốn được hòa mình vào những ca khúc xuân rộn ràng thì có thể tham gia những chương trình này.

11h, mùng 2 tới mùng 6 tại công viên văn hóa đầm sen, cười thả ga với Liveshow của cặp bài chùng Hoài Linh- Chí Tài đem đến cho bạn những phút giây thư giản và sảng khoái nhất.
Bữa tiệc âm nhạc kéo dài xuyên suốt những ngày tết tại Đầm Sen, quy tụ dàn ca sĩ nổi tiếng thay phiên làm nóng sân khấu.

Ngoài ra các rạp chiếu phim chắc chắn sẽ là địa điểm được nhiều bạn lựa chọn. Những ngày tết đường sá thường đông đúc nên ghé vào các cụm rạp và thưởng thức những bộ phim hay cùng bạn bè sẽ thật tuyệt vời.

Tết nay xem gì

Phim Tết Việt
Tết này 5 phim ra mắt đều có một màu chung - Phim hài.
Cùng điểm qua các phim Tết Việt Nam bạn có thể xem được trong dịp Tết này nhé

+ Cô Dâu Đại Chiến (đạo diễn Victor Vũ)

+ Năm sau con lại về (đạo diễn Trần Ngọc Giàu)

+ Hai Lúa (đạo diễn Lê Quang Hưng)

+ Cưới chạy (đạo diễn Nhất Tuấn) 

+ Cuộc chiến với chằn tinh (Thạch Sanh - đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu)

Phim nước ngoài

+ Ôi Ma Ơi (Phim Hài Kinh Dị Thái)

+ I, Frankenstein ( Phim Hành Động Viễn Tưởng)

+ Đại náo thiên cung ( Hành động thần thoại)
Tin Tổng hợp

Các địa điểm bắn pháo hoa Tại HCM
Địa điểm bắn pháo hoa ở Tp Hồ Chí Minh có bảy địa điểm.
Một địa điểm bắn pháo hoa tầm cao: Cửa hầm sông Sài Gòn (Quận 1). Sáu địa điểm bắn pháo hoa tầm thấp: Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi), Công viên Lịch sử văn hóa các dân tộc (Quận 9), Sân bóng đá (Cần Giờ), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (Hóc Môn),Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò (Bình Chánh).
Thời gian vào lúc :  00 giờ đến 00 giờ 15 phút ngày 31 tháng 1 Dương lịch (mùng 1 tết).

Hà Nội

1. Vườn đào Nhật Tân

Dịp tết đến ai ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa cho thật đàng hoàng ấm cúng đúng không. Hoa để trưng trong dịp tết là không thể thiếu. Đối với người dân ở Hà Nội thì đào là loại hoa phổ biến nhất trong dịp tết Nguyên Đán. Để lựa được những cành đào đẹp, vừa có thế vừa có nhiều hoa thì vườn đào Nhật Tân là một gợi ý. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các hội chợ hoa như chợ hoa Quảng Bá, vườn hoa Nghi Tàm tìm kiếm những cây cảnh như ý tặng gia đình, người thân.


2. Vườn hoa cải ở ven Hà Nội

Thường cuối tháng 11 đầu tháng 12, một mùa hoa cải lại tràn về trên những cánh đồng ven Hà Nội. Và thường nó sẽ kéo dài sang tận những ngày đầu tết Nguyên Đán. Tranh thủ những ngày nghỉ các teen Hà Thành nên sắp xếp thời gian đến tham quan vườn hoa cải đẹp lung linh này nhé. 
Màu vàng rực rỡ của cánh đồng cải phủ khắp một khoảng không gian trải dài dưới nền trời xanh mênh mang. Hương hoa dìu dìu sẽ khiến tâm hồn khoan khoái, bình dị. Hãy tận hưởng những giây phút đầu năm giữa cánh đồng hoa tuyệt đẹp.


3. Hồ Gươm

Hồ Gươm những ngày đầu năm luôn mang đến cho người dân cảm giác dễ chịu. Trong tiết trời đầu năm, bạn có thể làm một chuyến xuất hành quanh Hồ Gươm, ngắm những cụ già uống trà đánh cờ ngày xuân. Hoặc có thể lựa chọn những quán café quanh Hồ Gươm ngồi thưởng thức café, trò chuyện cùng bạn bè dịp đầu năm.
Tết Hà Nội luôn đẹp và thơ mộng, nhất là những cơn mưa phùn đầu năm luôn mang đến cho người cảm giác nôn nao khó tả. Việc hái lộc, trẩy hội, đi chùa hàng năm đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Nếu là người yêu thích những giá trị truyền thống, bạn có thể ghé thăm Tràng An, Bái Đính để cầu bình an cho gia đạo trong năm mới.


4. Bảo tàng Dân tộc học, Công viên Hồ Tây

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường tổ chức hội vui xuân với nhiều chương trình vui chơi bổ ích. Đến với Bảo tàng các bạn trẻ sẽ có cơ hội tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, đấu vật, chơi quay cũng như thưởng thức các món ngon ngày tết.
Dịp tết, công viên nước Hồ Tây tổ chức rất nhiều chương trình nghệ thuật với những tiết mục đặc sắc đậm không khí tết như múa lân, múa sư tử, ảo thuật, xiếc cùng nhiều trò chơi thú vị khác. Trẻ em đến chơi xuân có cơ hội làm nhiều đồ chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh 12 con giáp.




Một số thông tin về những chương trình đặc biệt mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 ở Hà Nội (tin tổng hợp) 

Các điểm bắn pháo hoa ở Hà Nội

Năm 2014, Hà Nội sẽ bắn pháo hoa 29 điểm tại 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố,trong đó gồm 5 điểm với 6 trận địa tầm cao và 24 điểm tầm thấp


5 điểm bắn pháo hoa tầm cao là hồ Hoàn Kiếm (2 điểm trước Bưu điện Hà Nội và trụ sở Báo Hà Nội Mới), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông)
24 điểm bắn pháo hoa tầm thấp đặt ở trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân; các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây. 
Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút bắt đầu từ 00.00 đến 00.15 phút ngày 31/1/2014 (Giao thừa Tết nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014).

Tại những điểm bắn pháo hoa này sẽ có chương trình nghệ thuật để nhân dân thưởng thức trước khi xem bắn pháo hoa. Dự kiến, tại quảng trường trước cửa Nhà hát lớn sẽ có một sân khấu với sự biểu diễn của các ban nhạc trẻ diễn ra từ 8h30' - 24h và một sân khấu ở Hoàng Thành Thăng Long biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Các điểm khác như trước cửa công viên Thống Nhất sẽ có một sân khấu ca nhạc tổng hợp…


Đặc biệt, từ ngày 21 - 26/12 (âm lịch) tại Cung thể thao Quần Ngựa sẽ tổ chức hội chợ xuân quy mô lớn giới thiệu các làng nghề truyền thống, các món ăn dân tộc, đặc trưng của Thủ đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ cho người dân đến mua sắm và thưởng thức tết.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tổ chức Hội báo Xuân Giáp Ngọ; triển lãm sách, báo, ảnh “Văn hóa người Hà Nội”; các rạp chiếu phim với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Thủ đô đổi mới”; chương trình “Xuân quê hương” giao lưu với kiều bào ta ở nước ngoài về quê ăn Tết; gặp mặt các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo Thủ đô.


Diệu Thanh - Foody.vn
Được tạo bởi Blogger.